NGUYÊN TẮC CƠ BẢN I.P.M (TRONG QUẢN LÝ DỊCH HẠI TỔNG HỢP)
Nguyên tắc cơ bản I.P.M (trong quản lý dịch hại tổng hợp)
1-Định nghĩa Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM)
IPM được viết tắt từ cụm từ tiếng Anh “Integrated Pest Management-IPM”, có nghĩa là “quản lý dịch hại tổng hợp”. Là một bước phát triển cao hơn các biện pháp “kiểm soát dịch hại tổng hợp” (Integrated Pest Control-IPC) hay “phòng trừ dịch hại tổng hợp” đã có trước đây bằng cách khai thác thêm hiệu quả từ các quy luật của hệ sinh thái đồng ruộng.
Theo nhóm chuyên gia của tổ chức nông lương thế giới (FAO), Quản lý dịch hại tổng hợp: “ là một hệ thống quản lý dịch hại mà trong khung cảnh cụ thể của môi trường và những biến động quần thể của các loài gây hại, sử dụng tất cả các kỹ thuật và biện pháp thích hợp có thể được, nhằm duy trì mật độ của các loài gây hại ở dưới mức gây ra những thiệt hại kinh tế”.
Mục đích cuối cùng của QLDHTH (IPM) là tìm ra những biện pháp có hiệu quả, có lợi về mặt kinh tế nhằm hạn chế tác hại của sâu bệnh, làm cho cây trồng đạt năng suất cao và phẩm chất nông sản tốt.
2-Sơ lược sự phát triển của Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM)
- Sơ lược tình hình sản xuất lúa và phòng trừ sâu bệnh trước đây:
Từ việc săn bắt, hái lượm đến việc cuốc lỗ tỉa hạt là một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử tiến hoá của loài người. Nhưng cột mốc dánh dấu nền văn minh của loài người chính là bằng việc trồng lúa nước.
Ngay từ xa xưa ông bà chúng ta đã biết trồng lúa nước để sản xuất lương thực cho chính họ. Bằng việc sử dụng những giống lúa có sẵn trong tự nhiên con người biết gieo cấy để thu sản phẩm. Có một điều chúng ta có thể khẳng định rằng ở thời kỳ ấy người ta không hề sử dụng các hoá chất nông nghiệp (phân bón, thuốc BVTV) để tác động vào đồng ruộng nhưng họ vẫn được mùa.
Lúc ban đầu con người chỉ biết thực hiện các biện pháp phòng trừ đơn giản như bắt sâu, ngắt bỏ lá bệnh hay dùng vợt bắt châu chấu, bọ xít...Tiến xa hơn chút nữa, con người biết lựa mùa trồng trọt để giảm sâu bệnh phá hại, biết chọn trồng những giống có tính kháng (ít bị) sâu bệnh gây hại...
Dần dần, con người cũng nhận thấy việc làm đất kỹ, cày phơi ải đất hoặc luân canh một số cây trồng với nhau sẽ giảm sâu bệnh phá hại.
Cho đến những năm 40 của Thế kỷ XX, khi mà các thuốc trừ sâu như DDT (DDT là loại thuốc trừ sâu đã được sử dụng trong nhiều năm qua. Công thức hoá học của loại thuốc này là C14H9Cl5’ tên khoa học là dichloro-diphenyl-trichloroethane và gọi tắt là DDT, do nhà sinh hoá học Thuỵ sĩ, Paul Muller phát minh năm 1938) và 666 đã được nhận biết một cách đầy đủ thì công tác phòng trừ sâu bệnh của nông dân đã chuyển sang giai đoạn mới. Sự kiện này đã khai sinh ra một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên thuốc trừ dịch hại tổng hợp hữu cơ theo lối sản xuất công nghiệp ra đời.
DDT đã trở thành loại thuốc tuyệt vời và nổi tiếng, đầu tiên được sử dụng rộng rãi trong y tế và quân đội vì hiệu lực của nó đối với ruồi muỗi và các loại ký sinh trùng truyền bệnh nguy hiểm cho con người. Sau thế chiến thứ II, DDT được sử dụng rộng rãi trong nông nghiệp và đã nhanh chóng chiếm được sự tin cậy của nông dân vì hiệu quả trừ sâu rất mạnh.
Khi người ta càng sử dụng nhiều thuốc trừ sâu thì dịch hại bộc phát càng mạnh. Điều này buộc các nhà Khoa học phải suy nghĩ xem xét lại biện pháp phòng trừ sâu bệnh bằng hoá học .
- Tác hại của việc sử dụng thuốc BVTV trên đồng ruộng:
Việc sử dụng biện pháp hoá học để phòng trừ sâu bệnh trong một thời gian dài đã gây ra nhiều tác hại đáng kể. Cho đến một lúc nào đó sâu bệnh trở nên quen thuốc và dẫn đến kháng thuốc. Từ việc kháng một loại thuốc, do sử dụng không đúng cách con người đã tạo ra các chủng sâu kháng lại tất cả các loại thuốc trừ sâu.
Sử dụng nhiều thuốc trừ sâu trên đồng ruộng cũng gây mất cân bằng sinh thái-đó là chuỗi mắt xích giữa cây trồng - sâu hại - thiên địch. Thuốc trừ sâu tiêu diệt thiên địch-là yếu tố kìm hãm mật độ sâu hại – dẫn đến sâu phát triển tự do và bộc phát thành dịch.
Ngoài ra thuốc trừ sâu còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống về nguồn nước lẫn không khí, đến động vật thuỷ sinh. Nguy hiểm hơn là nó tích luỹ trong nông sản, đi vào cơ thể con người khi tiêu thụ sản phẩm.
- Sự ra đời của chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM):
Bằng việc phát hiện ra vấn đề sử dụng hoá chất BVTV đã làm mất cân bằng Hệ sinh thái, làm huỷ diệt mối quan hệ bền vững giữa cây trồng -sâu hại -thiên địch. Các nhà khoa học đã định hướng ra một chiến lược phòng trừ sâu bệnh mới đó là bằng cách nào đó giữ cho được mối quan hệ cân bằng tự nhiên trong Hệ sinh thái, cách duy nhất là không tác động các hoá chất BVTV. Ý tưởng đó đã được kiểm chứng tại Viện đấu tranh sinh học quốc tế (Malaysia) và Viện ngiên cứu lúa quốc tế (Philippiness) bằng cách trồng lúa trong điều kiện không phun thuốc trừ sâu có đối chứng với việc phun thuốc. Kết quả cho thấy ở ruộng không phun thuốc trừ sâu Hệ sinh thái được cân bằng, thiên địch phát triển đủ sức khống chế sâu hại; ở ruộng có phun thuốc trừ sâu thì ngược lại, sâu hại phát triển mạnh gây ảnh hưởng đến năng suất .
Với thành công này, các nhà khoa học đưa áp dụng đại trà đầu tiên ở Indonesia năm 1986, tại vùng quê hương của Tổng thống Shuharto-nơi liên tiếp 2 năm 1985 và 1986 bị Rầy nâu hại nặng. Các nhà khoa học đã hướng dẫn nông dân vùng này sử dụng giống kháng rầy, tác động các biện pháp kỹ thuật cho cây trồng sinh trưởng khoẻ và không phun thuốc trừ rầy. Lập tức dịch Rầy nâu bị lắng xuống trong 2 vụ liên tục, bằng cách này các nhà khoa học đã dập tắt dịch Rầy nâu ở Indonesia. Trước thành công này, năm 1987 Tổng thống Indonesia đã ra sắc lệnh cấm nhập 57 loại hoạt chất trừ sâu vào Indonesia.Từ đó đã hình thành nên một biện pháp phòng trừ sâu bệnh mới mà không cần sử dụng thuốc trừ sâu và chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) ra đời.
Từ Indonesia chương trình quản lý dịch hại tổng hợp đã lan dần ra nhiều nước trồng lúa trên thế giới. Năm 1992 Việt Nam đã chính thức tham gia mạng lưới IPM Network và từ đó đến nay chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM đã phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam trên cây lúa, cây rau và cây ăn quả đã mang lại cho nông dân nhiều lợi ích thiết thực.
3. Các nguyên tắc của IPM
IPM hoạt động theo 4 nguyên tắc:
- Trồng cây khỏe: Chọn giống tốt, bón phân cân đối và chăm sóc hợp lý nhằm tạo tiền đề cho cây trồng sinh trưởng khỏe, có khả năng cho năng suất cao.
- Bảo vệ thiên địch:Thiên địch là côn trùng có sẵn trong tự nhiên có ích, sử dụng nguồn thức ăn chính là sâu hại do đó có tác dụng kìm hãm mật độ sâu hại một cách đáng kể.
- Thăm đồng thường xuyên: Quan sát sự sinh trưởng của cây trồng để có biện pháp tác động thích hợp (nước, phân...)giúp cây trồng phát triển tốt.
Điều tra mật độ sâu hại và thiên địch để đánh giá mức độ cân bằng của chúng nhằm giúp đề ra quyết định xử lý thích hợp.
- Nông dân trở thành chuyên gia: Chuyên gia nghĩa là am hiểu kiến thức cơ bản và có kinh nghiệm trong lĩnh vực nào đó. Huấn luyện nông dân trở thành chuyên gia tức là nông dân đã am tường về canh tác lúa và quản lý tổng hợp dịch hại. Họ có khả năng ứng dụng thành công IPM trên ruộng nhà và hướng dẫn cho nhiều nông dân khác cùng làm theo IPM.
4. Các nguyên lý IPM
Về nguyên lý IPM cần được hiểu:
-Trong hệ thống quản lý dịch hại tổng hợp tất cả các biện pháp kỹ thuật tham gia cần phải hài hoà với các yếu tố môi trường, đặc biệt cần nghiên cứu các yếu tố gây chết tự nhiên của sâu hại .
-IPM là sự vận dụng linh hoạt của khoa học cũ và những tiến bộ kỹ thuật mới để áp dụng tốt - cân bằng trong hệ sinh thái.
5. Hệ sinh thái
- Hệ sinh thái
Là tập hợp các loài sinh vật cùng tồn tại trên một vùng không gian với các điều kiện tự nhiên xác định.
IPM ngày nay được quan niệm là một hệ thống phòng trừ dịch hại dựa trên cở sở sinh thái, phù hợp với điều kiện môi trường .Vì vậy hiểu biết về Hệ sinh thái, đặc biệt là Hệ sinh thái đồng ruộng sẽ là cở sở cho việc quản lý tổng hợp dịch hại .
- Các yếu tố trong Hệ sinh thái đồng ruộng:
Có thể chia các yếu tố trong Hệ sinh thái thành 2 nhóm:
- Nhóm yếu tố phi sinh vật.
- Nhóm yếu tố sinh vật.
Nhóm yếu tố phi sinh vật:
Trong nhóm này bao gồm:
- Các yếu tố địa lý: vĩ độ, độ cao, địa hình.
- Các yếu tố thời tiết khí hậu: nhiệt độ, ẩm độ, lượng mưa, ánh sáng...
- Các yếu tố môi trường đất: tính chất cở lý đất, độ phì, hàm lượng mùn trong đất, thành phần và hàm lượng dinh dưỡng trong đất.
- Chế độ nước:nước tưới hay nước trời, thời gian khô hạn hay ngập úng trong năm, chất lượng nước (phèn,mặn,chua...).
Những yếu tố phi sinh vật đặc trưng, quyết định tính chất của Hệ sinh thái là các yếu tố thời tiết, đất đai và chế độ nước.
Các yếu tố phi sinh vật gây hại cho cây trồng thường gặp là:
- Điều kiện thời tiết bất thường:khô hạn ,sương muối,mưa đá...
- Đất thiếu dinh dưỡng(thiếu P,K,vi lượng ...),đất nhiễm độc do phèn chua hay phèn mặn,đất yếm khí...
- Bị nhiễm độc môi trường nước hoặc không khí.
Nhóm yếu tố sinh vật:
Trong nhóm này bao gồm:
- Cây trồng.
- Cỏ dại sống cạnh tranh với cây trồng.
- Các động vật bậc cao bao gồm:
. Các loài ăn thực vật: chim, chuột...
. Các loài ăn động vật:ếch, nhái, rắn, chồn...
-Các động vật bậc thấp bao gồm:
. Các loài ăn thực vật: sâu hại, nhện hại, ốc bươu vàng...
. Các loài ăn động vật: các loại côn trùng ăn mồi, ký sinh...
- Các vi sinh vật: nấm, vi khuẩn, mycoplasma và virus. Trong đó gồm các loại VSV gây bệnh cho cây, VSV gây bệnh cho côn trùng và VSV đất.
- Các loại tuyến trùng gồm các loại gây bệnh cho cây và cho côn trùng.
- Các loài sinh vật khác sống trong nước hoăc quanh cây trồng, gồm các loại không có lợi cũng không có hại cho cây trồng.
Các yếu tố sinh vật có liên quan ảnh hưởng tới sự phát triển của cây trồng là:
- Cỏ dại:là những thực vật tồn tai trên đồng ruộng ngoài ý muốn của con người. Chúng luôn cạnh tranh dinh dưỡng, ánh sáng, ẩm độ với cây trồng. Một số loài cỏ dại còn là nơi cư trú của sâu hại, là ký chủ của VSV gây bệnh cho cây. Chúng còn là nơi lưu giữ sâu bệnh sau thu hoạch và lan tiếp đến vụ sau.
Quan điểm IPM cho rằng cỏ dại bờ mương là nơi trú ngụ của nhiều loại thiên địch sau thu hoạch, đó là nguồn cung cấp thiên địch cho ruộng lúa sau khi gieo sạ.
- Các vi sinh vật gây bệnh cho cây: Nhóm này bao gồm Nấm,Vi khuẩn, Mycoplasma và Virus.
- Sâu hại: là những loại côn trùng ăn thực vật và gây hại cho cây trồng. Cách gây hại của chúng cũng khác nhau, có loại ăn lá (sâu cuốn lá, sâu keo...) có loại phá thân lúa (đục thân ,sâu năn...), có loài chích hút trên lá (bọ trĩ), hút thân (rầy nâu), hút hạt (bọ xít dài)...
- Thiên địch: là kẻ thù tự nhiên của sâu hại. Nhóm này bao gồm các loại côn trùng ăn thịt, côn trùng ký sinh, nhện bắt mồi, nguồn vi sinh vật và tuyến trùng gây bệnh cho sâu hại, các loài ếch nhái, chim sâu... Số lượng của nhóm thiên địch lớn gấp nhiều lần so với các loài sâu hại.
- Yếu tố con người trong Hệ sinh thái nông nghiệp:
Hoạt động trồng trọt của con người trên đồng ruộng bao gồm: làm đất, gieo trồng, chăm sóc, thu hoach... ít nhiều đều có ảnh hưởng đến các yếu tố trong Hệ sinh thái. Thường xuyên thăm đồng ruộng kiểm tra dịch hại và thiên địch, có biện pháp kịp thời trong quản lý dịch hại.
6. Các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM)
- BIỆN PHÁP KIỂM DỊCH VÀ KHỬ TRÙNG:
- Kiểm dịch thực vật
- Khử trùng
- BIỆN PHÁP CƠ GIỚI:
Đây là biện pháp đơn giản, dễ thực hiện và đã được áp dụng từ lâu đời. Nguyên lý của biện pháp này là dùng tay bắt giết sâu bọ, ngắt bỏ lá thân bị bệnh, thu lượm ổ trứng...Biện pháp này đã được áp dụng phổ biến trước đây như những chiến dịch thu lượm ổ trứng sâu đục thân, ngắt lá bệnh. Gần đây là chiến dịch thu lượm ốc bươu vàng trên toàn quốc.
- BIỆN PHÁP CANH TÁC
Đây là một bộ phận quan trọng không thể thiếu được trong hệ thống QLDHTH đối với bất kỳ một loại cây trồng nào. Các kỹ thuật trong biện pháp canh tác nhằm cải thiện điều kiện sinh thái theo hướng có lợi cho sự sinh trưởng cảu cây trồng để đạt năng suất cao, hạn chế được sự phát triển của sâu bệnh và tăng khả năng đền bù của cây trồng đối với các mất mát do sâu bệnh hoặc tác nhân khác gây ra.
- Làm đất và vệ sinh đồng ruộng
- Luân canh
- Thời vụ gieo sạ thích hợp
- Gieo sạ và mật độ gieo sạ
-Bón phân cân đối hợp lý
- Chế độ nước
- BIỆN PHÁP SINH HỌC
Biện pháp sinh học là hoạt động của con người nhằm sử dụng các sinh vật sống hoặc các tác nhân sinh học để phòng trừ dịch hại. Nó cũng bao gồm việc bảo vệ và tăng cường hoạt động của các loại thiên địch trong tự nhiên. Do đó trong biện pháp sinh học bao gồm các hoạt động sau:
- Bảo vệ và tăng cường hoạt động của thiên địch sẵn có
-Bảo vệ thiên địch tránh bị độc hại do hoá chất BVTV bằng cách hạn chế tối đa việc phun thuốc, chỉ sử dụng thuốc có tính độc thấp, thuốc có nguồn gốc sinh học và tiến đến không sử dụng thuốc trừ sâu trên đồng ruộng.
-Tạo nơi cư trú cho thiên địch: để cỏ và trồng cây họ đậu trên bờ ruộng, làm các bờ rạ cho thiên địch ẩn nấp.
-Các kỹ thuật canh tác giúp duy trì và phát triển thiên địch: luôn giữ mực nước ruộng, gieo sạ mật độ thích hợp, biện pháp hợp lý.
- Nhập nội các thiên địch mới
Hoạt động này thường được sử dụng trong những trường hợp sâu hại từ nước ngoài du nhập vào, chưa có các thiên địch đủ sức khống chế ở trong nước. Ở Việt Nam người ta đang tìm cách nhập nội thiên địch của ốc bươu vàng từ Nam Mỹ vì ốc bươu vàng được đưa vào Việt Nam với mục đích thương mại, không được kiểm dịch nên trong thời gian qua đã gây hại mạnh do không có thiên địch của ốc bươu vàng ở trong nước. Ở Miền nam trước đây, quân đội Mỹ đã đưa vào một số loại cỏ (Cỏ mỹ, Mắc cỡ mỹ...) để bảo vệ khu quân sự và sau đó chúng ta phải nhập loại sâu ăn cỏ này vì chúng đã gây hại mạnh ở miền Nam.
- Nuôi nhân tạo và thả thiên địch trên ruộng
Kỹ thuật này được áp dụng với các loại ký sinh chuyên tính hẹp. Khi được thả trên ruộng, ký sinh sẽ tìm đến vật chủ ưa thích của chúng để tiêu diệt. Việc lây thả được tiến hành nhiều lần trong vụ, vào những thời gian thích hợp để ngăn chặn sự bùng phát của sâu hại.
- Sử dụng các chế phẩm sinh học
Phần lớn các chế phẩm sinh học có nguồn gốc VSV như: nấm, vi khuẩn, virus, nguyên sinh động vật.
- Các chế phẩm từ nấm như: Beauveria và Metarhizum đang được thử nghiệm ở nước ta để trừ rầy nâu, châu chấu và một số sâu hại khác.
- Các chế phẩm từ vi khuẩn phổ biến nhất hiện nay là BT (Bacillus Thurigiensis) dùng để trừ sâu non bộ cánh phấn như: sâu tơ, sâu keo da láng.
- Các chế phẩm từ virus ngày nay đang được nghiên cứu và sử dụng trừ sâu rất có hiệu quả, đặc biệt là các virsus nhân đa diện (NPV). Chúng được phân lập từ kí chủ bị chết, nhân lên trong phòng thí nghiệm để tạo thành chế phẩm NPV, có tác dụng cao để trị sâu xanh hại bông, sâu tơ bắp cái, sâu khoang, sâu keo da láng.
- Chế phẩm từ tuyến trùng và nguyên sinh động vật cũng đang được nghiên cứu sử dụng như tuyến trùng Romanomermis Spp để trừ ruồi đục nõn,sâu năn và ruồi đục lá hại lúa, tuyến trùng Neoplecta Spp để trừ sâu tơ,sâu keo da láng.
- Sử dụng Pheromone và Hormone điều hoà sinh trưởng côn trùng
- Pheromone là chất tiết ra từ côn trùng và nhện để trao đổi thông tin giữa các cá thể cùng loài. Phổ biến nhất là Pheromone hấp dẫn sinh dục được tiết ra từ con cái để quyến rũ con đực đến giao phối và Pheromone hội đàn do các cá thể tiết ra để gọi nhau tìm kiếm thức ăn hoặc giao phối. Các hợp chất tổng hợp tương tự như Pheromone đã được dùng trong phòng trừ sâu hại với mục đích là bẫy dẫn dụ giết các con đực. Làm bẫy để theo dõi sự phân bố và hoạt động của côn trùng trong công tác dự tính dự báo.
-Hormone là chất điều hoà sinh trưởng có trong cơ thể sinh vật. Cơ chế tác động của các chất điều hoà sinh trưởng côn trùng là làm cho trứng phát triển không bình thường (không nở hoặc bị chết sau nở), sâu non không hoá thành nhộng và trưởng thành được, một số có thể hoá trưởng thành nhưng không sinh sản được .
- Kĩ thuật diệt sinh
Kỹ thuật này dựa trên phương pháp xử lý phóng xạ các con đực (ở giai đoạn nhộng hoặc cuối giai đoạn ấu trùng) làm chúng mất khả năng sinh sản. Các con đực đã bị diệt sinh, khi thả ra ngoài ruộng với số lượng đủ lớn,sẽ cạnh tranh với các con đực khác trong tự nhiên khi giao phối với con cái,làm trứng không được thụ tinh và không nở được.
- BIỆN PHÁP HÓA HỌC
Đây là biện pháp cuối cùng khi đã sử dụng hết các biện pháp nêu trên mà không thành công sâu bệnh vẫn phát triển mạnh. Trong trường hợp đặc biệt phải sử dụng thuốc BVTV ta nên chú ý những điều sau đây:
-Sử dụng thuốc theo chỉ định trên nhãn mác.
-Sử dụng loại thuốc tương đối an toàn với thiên địch.
-Sử dụng thuốc theo kỹ thuật 4 đúng: đúng thuốc, đúng nồng độ liều lượng , đúng lúc và đúng cách.
Nói chung biện pháp hoá học chỉ được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp khi tình hình sâu bệnh ở mức cao và điều kiện còn có thể bộc phát mạnh mà áp dụng tất cả các biện pháp đều không kìm hãm được. Biện pháp hoá học không được khuyến khích trong hệ thống quản lý dịch hại tổng hợp.
- KẾT LUẬN
Nếu được quan tâm một cách thích đáng trong việc ứng dụng quản lý dịch hại tổng hơp IPM sẽ đem lại hiệu quả tốt trong sản xuất nông nghiệp. Tiết kiệm chi phí đầu vào, mà mang lại sản lượng cao, bền vũng và an toàn người tiêu dùng.
#phanbon #quanlydichhaitonghopIPM #nguyenlyIPM #nguyentacIPM #hesinhthai #bienphapquanlydichhaitonghopIPM #bienphapsinhhoc #bienphaphoahoc #bienphapcohoc #bienphapcanhtac #bienphapkhutrung #bienphapkiemdich #quocgiaxanh
CÔNG TY TNHH THƯƠNG MẠI XNK QUỐC GIA
Địa chỉ: Đường Trần Phú, Thị trấn Củng Sơn, Sơn Hòa, Phú Yên.
Tel: 02573 506 678 Hotline: 0843 477 788
Email: phanbonquocgiaviet@gmail.com
Website: http://phanbonquocgiaviet.com
Tài liệu tham khảo
1-http://trambvtvvinhhung.weebly.com/
2-http://www.plantprotection.org/synopsis.html
3-http://baovethucvatvn.blogspot.com/2012/04/dich-hai-cay-trong.html
4-http://trambvtvvinhhung.weebly.com/cong-uoc-quoc-te-ve-bvtv.html
5-http://trambvtvvinhhung.weebly.com/to-chuc-bvtv.html
6-http://phong-tru-tong-hop-dich-hai-huong-den-phat-trien NN-ben-vung
7-http://vaas.vn/kienthuc/caylua/06/28_ipm.htm
8-http://nonghoc.com/nonghoc/ShowThread.aspx?ID=...=1
9-http://allplantprotection.blogspot.com/2012/05/cultivating-flowers-on-rice-field-edges.html