QUY TRÌNH KỸ THUẬT TRỒNG, CHĂM SÓC CHANH LEO
- MỤC ĐÍCH
Sau đây Công ty Quốc Gia Xanh xin hướng dẫn người trồng chanh leo hiểu rõ và áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác trong việc trồng chanh leo.
- PHẠM VI
Áp dụng cho các vùng trồng chanh leo ở Việt Nam.
- NỘI DUNG
- Đặc điểm của cây chanh leo.
- Giới thiệu chung
Cây chanh leo (chanh dây) có tên khoa học: Passiflora edulis Sims (quả chanh leo đỏ tía), P. edulis f. flavicarpa Deg (quả chanh leo vàng), P. quadrangularis L (quả chanh leo khổng lồ). Thuộc họ: Passifloraceae.
Một số địa phương còn gọi là cây mát mát, chanh leo, chanh dây, lạc tiên. Là loại cây ăn quả có nguồn gốc từ Brazil và được trồng ở các nước có khí hậu ẩm như: Srilanca và một số nước ở Châu Mỹ. Qua khảo nghiệm, hiện nay cây Chanh leo thích hợp với các nước có khí hậu nhiệt đới. Ở nước ta cây Chanh leo được du nhập vào từ thời kỳ Pháp thuộc nhưng chưa chú trọng đến làm kinh tế do đó người dân chỉ trồng rải rác một vài cây chủ yếu để làm giàn che mát và để giải khát là chính.
Khi nhà nước ta thực hiện kinh tế thị trường thì cây Chanh leo rất được quan tâm vì có hiệu quả kinh tế lớn, thị trường tiêu thụ rộng. Qua thực tế sản xuất tại Miền Trung và Tây Nguyên thì hiện nay cây Chanh leo được mệnh danh là cây làm giàu.
Sản phẩm chính của cây Chanh leo là làm nước ép quả làm giải khát nguyên chất hoặc ép với các loại nước quả khác. Hiện tại nước chanh leo được chế biến cô đặc và xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới và đang trở thành mặt hàng khan hiếm trên thị trường nhất là thị trường Châu Âu và Châu Mỹ.
- Đặc điểm sinh học
Thân cây chanh leo là thân leo (thân thảo) có màu xanh đậm ở phần thân sinh trưởng. Mỗi mắt có một tua cuốn mọc ở nách lá. Lá có 3 thùy với rãnh sâu. Hoa nở ở kẽ lá, hoa lưỡng tính có màu trắng từ bên ngoài tím dần vào trong hoặc đỏ sẫm với kích thước khoảng 5cm. Quả hình tròn bầu dục, không có lông gai, vỏ tròn bóng và cứng, khi quả chín có màu tím hoặc vàng tùy giống, đường kính từ 5 - 7 cm, trọng lượng quả 80 - 110gam, có khoảng 100 - 180 hạt/quả. Dịch nước quả thường đạt 40% so với trọng lượng quả. Năng suất bình quân 50 - 70 tấn/ha/năm, đặc biệt nếu thâm canh tốt có thể đạt trên 100 tấn/ha/năm.
- Yêu cầu về ngoại cảnh
- Đất đai: Cây chanh leo trồng thích hợp ở vùng đất tơi xốp, thoáng, giàu chất hữu cơ như đất cát pha thịt nhẹ, đất Bazanl, độ pH thích hợp 5,2 – 6,5.
- Độ cao thích hợp: 650 - 1300m so với mặt nước biển
- Nhiệt độ, ánh sáng: Cây chanh leo ưa thích ánh sáng nhẹ, nhiệt độ thích hợp nhất 20-250C, nếu t0 < 160C hoặc > 300C thì làm cho cây chanh leo phát triển kém.
- Lượng mưa: Cây chanh leo rất cần nước thường xuyên, vì vậy cần phải cung cấp nước hàng ngày cho cây chanh leo trong mùa khô sẽ giúp cho cây chanh leo ra hoa và đậu quả liên tục. Yêu cầu nước nhiều nhất vào giai đoạn quả đang ở giai đoạn sinh trưởng mạnh, nếu đất thiếu nước thì sẽ làm cho quả teo lại và rụng.
- Đất trồng và kỹ thuật làm đất.
- Chọn đất trồng.
- Đối với Chanh leo không đòi hỏi cao về chất đất, có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau như: đất đỏ Bazan, đỏ vàng, vàng đỏ trên phiến thạch...
- Đất trồng Chanh leo phải thoát nước, không bị ngập úng, có pH = 5,0- 6,8 có tầng đất canh tác dày trên 30cm.
- Kỹ thuật làm đất.
- Chuẩn bị đất trồng:
- Sau khi khai hoang dọn sạch cỏ dại gốc cây, rà mặt bằng hoặc thu gom các cây trồng chuyển đổi. Tiến hành cày bừa kỹ, đào hố trước khi trồng từ 15 – 20 ngày.
- Vệ sinh đồng ruộng, thu gom và tiêu hủy các xác bã động thực vật trước 15-10 ngày
- Tiến hành xử lý mối bằng các loại thuốc Diazan, LenFos, Map sedan…
- Thiết kế lô, hàng và hố trồng trồng Chanh leo
- Thiết kế lô, hàng
- Tuỳ theo địa hình của khu đất, lô mà bố trí hàng trồng sao cho hợp lý, đảm bảo được hàng theo hướng gió, không bị che khuất ánh sáng (lúc cây ra hoa gió làm thuận hơn cho việc thụ phấn).
- Thiết kế bồn/liếp trồng
- Sau khi thiết kế lô, hàng xong thì tiến hành đào hố.
- Nếu đất bằng phẳng thiết kế bồn nổi: có đường kính120 cm – 150 cm. cao 8 – 12 cm
Nếu đất dốc > 150 thiết kế bồn chìm: có đường kính 120 cm – 150 cm. sâu 10 – 20 cm
Ngoài ra, có thể thiết kế theo liếp:
- Giống:
- Giống Đài Nông 1, được sản xuất trong quy trình khép kín sạch bệnh trong hệ thống nhà kính hiện đại tại viện giống chanh dây Nafoods với sự chuyển giao công nghệ của các chuyên gia Đài Loan để phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng Việt Nam. Được Bộ Nông Nghiệp công nhận là giống: năng suất cao, kháng bệnh tốt, không cần sang bầu khi đã nhận giống
- Khi nhận giống về bà con lưu ý: Thùng giống phải được mở ra ngay khi giao nhận, đặt cây giống ra mặt đất có ánh sáng nhẹ, trước khi trồng 3 - 5 ngày (tuyệt đối không cầm phía trên mắt ghép)
- Kỹ thuật trồng và mật độ.
- Thời vụ trồng.
Trồng quanh năm, thời vụ trồng tốt nhất ở khu vực Tây Nguyên là tháng 3 – 8 hằng năm.
- Mật độ.
Tùy vào trình độ canh tác, mức đầu tư mà có các mật độ khác nhau. Với các khoảng cách và mật độ chủ yếu sau:
5m x 4m: 500 cây/ha
4m x 4m: 625 cây/ha
4m x 3m: 833 cây/ha
3m x 3,5m: 950 cây/ha
3m x 3m: 1.111 cây/ha
- Cách trồng.
Cách trồng: Moi một lỗ nhỏ giữa hố đã chuẩn bị, lấy 1 nắm đất mịn rải vào hố sau đó xé vỏ bầu nhựa, đặt cây hướng thẳng đứng vào lỗ, lấy đất lèn chặt cho đất tiếp xúc với bầu rễ. Cây trồng xong có cổ rễ ngang với mặt đất. Không trồng cây sâu trong hố hoặc cổ rễ cao hơn mặt đất. Làm bồn, tủ gốc, tưới nước đẫm sau khi trồng.
- Chăm sóc.
- Chăm sóc sau trồng.
Sau khi trồng thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện những cây bị chết và trồng dặm kịp thời, tưới nước đủ ẩm cho cây, tùy vào thời tiết tưới 1 đến 2 lần/ngày. Làm sạch cỏ dại dưới giàn Chanh leo một băng rộng 1,2m, có thể trồng xen một số cây ngắn ngày trong giai đoạn kiến thiết cơ bản để tăng thu nhập, giữ ẩm và giảm cỏ dại cho Chanh leo (chú ý không được trồng các loại cây họ bầu bí, cà để tránh lây lan virus gây bệnh).
- Tưới nước.
Chanh leo là cây ưa ẩm nên cần phải thường xuyên tưới nước cho cây đặc biệt là giai đoạn ra hoa và nuôi quả, thiếu nước trong gian đoạn này sẽ làm cho tỉ lệ ra hoa, đậu quả thấp ảnh hưởng tới năng suất cây trồng. Có nhiều phương pháp tưới cho cây như: tưới tràn, nhỏ giọt (tự chảy hoặc dùng áp lực), phun mưa… trong đó phương pháp tưới béc phun mưa cục bộ có nhiều ưu điểm và đem lại hiệu quả cao, tiết kiệm nước, đảm bảo độ ẩm đất, giảm chi phí nhân công tưới … trong sản xuất thực tế nên áp dụng phương pháp tưới này.
Thiết kế mô hình tưới nhỏ giọt đơn giản như sau:
+ Nguồn cấp nước: xây dựng các bể, tháp nước có vị trí cao hơn khu vực trồng chanh leo.
(tận dụng áp lực làm cho nước tự chảy).
+ Các đường ống chính: dẫn nước từ nguồn cấp tới các bờ lô chanh leo.
+ Các đường ống tưới nhỏ giọt: dẫn nước từ đường ống chính tới gốc cây chanh leo
- Làm giàn.
Chanh leo là loại thân leo nên thiết kế trồng cần phải có giàn leo mới cho hiệu quả năng suất cao.
- Có 2 cách làm giàn:
Cách 1: Giàn phẳng cải tiến.
Hiện tại trong sản xuất các hộ dân chủ yếu làm giàn phẳng đều. Kiểu này có diện tích bò rộng nhưng hạn chế các cành thứ cấp buông thõng do đó năng suất thấp. Để khắc phục hạn chế đó bằng cách làm giàn phẳng có một số cải tiến để phù hợp với cây chanh leo. Cách làm như sau:
+ Cọc biên: Dùng các cọc gỗ hoặc bê tông chắc chắn có chiều dài 2,3 – 2,7 m, ở 4 góc chôn 4 cột xiên chắc chắn, các cọc biên được chôn xung quanh diện tích trồng với khoảng cách 4 m, sau khi chôn cọc có độ cao 2 m – 2,2 m so với mặt đất. Các cọc biên này được néo chắc chắn bằng các dây néo.
-Khoảng cách các cọc biên:
- Mật độ 1111 cây/ha: Khoảng cách cọc 3 m.
- Mật độ 950 cây/ha: Khoảng cách cọc 3,5m.
- Mật độ 833 cây/ha: Khoảng cách cọc 4m.
- Mật độ 625 cây/ha: Khoảng cách cọc 4m.
- Mật độ 500 cây/ha: Khoảng cách cọc 5m.
+ Các cọc chống ở giữa cao 2,3 – 2,5m, sau khi chôn có độ cao 2 m – 2,2 m, cách nhau 4,0m
Dùng dây thép có đường kính từ 3,5 – 4 mm nối các cọc biên lại với nhau tạo thành một vòng khép kín.
+ Dùng dây thép có đường kính 2,5 - 3 mm nối các cọc biên đối diện với nhau.
+ Dùng dây thép có đường kính 2.5 -3 mm nối từ dây nối các cọc biên đan thành các ô có khoảng cách 0,8 m theo hàng cọc.
+ Dùng thép 1mm đan ngang 3 sợi dây theo hàng cọc, khoảng cách 1m.
Cách 2: Giàn kiểu chữ T, U phân bố ánh sáng điều, tạo được sự buông thõng của các cành thứ cấp nên cho nhiều quả, thuận lợi cho việc đi lại chăm sóc, thu hoạch.
+ Cọc giàn có thể làm bằng bê tông, sắt nhưng phổ biến nhất là làm bằng gỗ như bạch đàn, gốc tre già… Độ dài của cọc khoảng 2,3 – 2,7 m để sau khi chôn xuống đất, giàn còn độ cao kể từ mặt đất lên khoảng 2 - 2,2 m. Với giàn kiểu chữ T chôn 1 cọc trụ chắc chắn sau đó dùng thanh ngang dài 1,6m được gắn chặt vào đầu cột, không bị xoay để đỡ 3 sợi dây thép có đường kính 3,5 - 4mm chạy song song với nhau suốt từ đầu hàng đến cuối hàng với khoảng cách 0,8m. Chú ý khi trồng trụ phải xoay ngang chữ T với hàng trồng, để làm tăng độ liên kết mặt giàn cứ 1 – 2m nên néo 1 sợi thép nhỏ giữa 2 sợi thép).
+ Với kiểu giàn chữ U chôn 2 cọc trụ song song cách nhau từ 1,6m, trên đỉnh 2 cọc dùng một thanh ngang bằng vật liệu chắc chắn. Kéo 3 sợi thép có khoảng cách 0,8m chạy song song với nhau suốt từ đầu hàng đến cuối hàng.
Với 2 kiểu giàn trên các cột cách nhau từ 3 - 4m để giàn không bị võng xuống khi Chanh leo leo kín giàn.
Trong thời gian cây chanh phân hóa các cành thứ cấp mạnh cần tiến hành bổ sung thêm các dây thép nhỏ giữa các dây trong hàng với khoảng cách 1,0 – 1,2m.
Do thời gian sử dụng lâu nên vật liệu làm giàn cần có tính bền vững tránh thay thế không cần thiết làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây.
- Phân bón và cách bón phân.
- Lượng phân bón
Lượng phân bón nguyên chất cho 1 gốc chanh leo/năm.
N: 300g/gốc + P2O5: 150g/gốc + K2O: 800g/gốc.
Lượng phân bón Bổ sung qua lá dùng cho 1 ha có trên thị trường sau:
- Siêu lân hữu cơ: 10-12kg/ năm bón vào thời kỳ kiến thiết cơ bản, thúc hoa, nuôi trái non, phục hồi sau thu hoạch.
- Phân bón Humic max US: 2-3kg/ năm; bón sau khi trồng, sau khi cắt cành
- Phân bón Lớn trái nhanh: 3-5kg/ lứa bón thười kỳ trước ra hoa đậu trái, nuôi trái non và nuôi trái già giúp tăng kích thước trái, tăng trọng lượng, và chất lượng trái, tăng khả năng xuất khẩu châu âu.
- Phân bón Canxi bo 3-5 lít/ lứa bón qua lá kích thích ra hoa đậu trái, chống rụng hoa, rụng trái non, rụng trái sinh lý, cứng trái, cứng vỏ, đều màu.
- Thời gian bón phân
- Bón lót: sau khi làm đất xong:
- Bón trước khi trồng 7 - 10 ngày: (10 kg phân chuồng + 0,2 - 0,5 kg Supper lân)/hố, trộn đều với đất theo tỉ lệ: 1 phân: 5 đất
- Trong trường hợp không sử dụng phân hữu cơ hoai mục thì ta thay thế bằng phân hữu cơ vi sinh với số lượng 10kg phân hữu cơ hoai mục = 1kg phân hữu cơ vi sinh.
- Bón thúc:
- Sau khi cây ổn định bộ rễ 2-3 ngày bắt đầu tiến hành chăm sóc theo cách sau:
- Kích thích bộ rễ phát triển (500 gam humix max US + 500 gam Siêu lân Hữu cơ) hòa cho 200 lít nước tưới/ phun hoặc đi hệ thống tưới nhỏ giọt cho (100 -120) cây.
- Sau 5 - 7 ngày bắt đầu bổ sung dinh dưỡng gồm hòa vào = 500 gam Siêu lân hữu cơ 200 lít nước tưới (60-80 cây) và bơm bón lá phía trên với thành phần đa lượng thấp.
- Cây 10-15 ngày tuổi: 1-2 kg Siêu lân hữu cơ Kết hợp với các loại thuốc trị côn trùng thông dụng. sau đó cứ 5-7 ngày phun 1 lần
Lưu ý: Phun vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối
- Cây từ tháng thứ 2 - 3: Bổ sung (100 - 150) g NPK (20-20-15) + 1-2 kg Siêu lân hữu cơ, chia làm 3 lần bón.
- Cây 3 - 4 tháng tuổi: 150 - 300 g NPK (20-20-15) + 2-3 kg Siêu lân hữu cơ/tháng chia làm 3 lần, Chú ý côn trùng trích hút, nấm rễ.
- Cây 4 – 5 tháng tuổi: 200g NPK (20-20-15)/lần x 3lần/tháng + 3-4 kg Siêu lân hữu cơ + 1-2 lít Canxi bo + 1-2 kg Lớn trái nhanh để kích thích bông, đậu trái nhiều và nuôi trái non.
- Ngoài ra trong thời gian ra quả nhiều bón bổ sung 250g phân NPK có tỷ lệ 10-5-20 chia làm 2 – 3 lần/tháng
- Chăm sóc vườn cây kinh doanh: (tháng thứ 6 đến tháng thứ 12)
Tháng thứ |
NPK |
Phân Hữu cơ nền |
6 |
600gr/cây/3lần |
5kg- 10kg /cây/lần |
7 |
800gr/cây/4lần |
5kg- 10kg /cây/lần |
8 |
800gr/cây/4lần |
5kg- 10kg /cây/lần |
9 |
600gr/cây/3lần |
5kg- 10kg /cây/lần |
10 |
800gr/cây/4lần |
5kg- 10kg /cây/lần |
11 |
800gr/cây/4lần |
5kg- 10kg /cây/lần |
12 |
600gr/cây/3lần |
5kg- 10kg /cây/lần |
- Cách bón phân: Trộn đều các loại phân, xới lớp đất mặt rải đều phân trên mặt đất có cách gốc 30 – 50 cm, tùy theo độ lớn của cây mà bón xa gốc hơn, lấp kín. Hoặc hòa tan tưới theo hệ thống nước tưới.
Trong quá trình phát triển của cây tùy thuộc vào sự phát triển của cây, độ phì nhiêu của đất và sự phát triển của thân cành lá và quả mà chúng ta có chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân đối.
Để cây sinh trưởng và phát triển tốt, song song việc bón phân qua gốc cần tiến hành sử dụng các loại phân bón qua lá: Siêu lân hữu cơ; Lớn trái nhanh, Canxi bo cho giai đoạn kích thích sinh trưởng cho cây non và nuôi dưỡng trái.
Chú ý:
- Phải được pha đúng liều lượng độ như hướng dẫn.
- Thời điểm phun cần chọn thời điểm thời tiết không nắng gắt, mưa (sáng : từ 6 – 9 giờ, chiều: từ 15 – 18 giờ).
- Phun đều và đẫm trên toàn bộ tán lá cây chanh leo.
- Cắt tỉa và tạo tán.
Lúc cây chanh đã leo lên giàn cần điều chỉnh ngọn cây theo đường dây chính và cùng với hướng gió, các cành thứ cấp phân bố đều 2 bên theo hình xương cá. Các cành được cố định bằng dây mềm (dây cỏ, dây nhựa…) vào giàn. các cành được phân bố đều theo các hướng trên giàn. Các cành quả buông thõng xuống giàn và lưu ý cắt cành quả cách mặt đất 20-30cm tránh lây nhiễm nguồn bệnh từ mặt đất.
Cắt tỉa:
Chế độ cắt tỉa Chanh leo có ảnh hưởng lớn đến năng suất thu hoạch. Trong mùa sinh trưởng mạnh, hai tuần phải cắt tỉa 1 lần. Mục đích của việc cắt tỉa là tạo ra nhiều cành thứ cấp buông thõng từ cành cấp 1, cấp 2 chạy dọc theo các sợi dây thép, hoa sẽ ra trên cành thứ cấp này. Càng nhiều cành thứ cấp quả càng sai.
Sau khi trồng, nên bấm các cành cấp 1 mọc ra khi cây chưa lên giàn, chỉ để các cành này khi cách giàn 1 khoảng cách từ 20 – 30cm. Nếu cành ra nhiều, quá rậm và đan chéo nhau thì dỡ ra và tỉa bớt. Những cành bị tỉa bỏ phải được cắt sát chỗ phân cành, không được cắt ngang lưng chừng. Các cành buông thõng dài (cành quả) phải cắt cách mặt đất 30cm, không để bò xuống đất.
Sau khi thu hoạch xong các cành thứ cấp sẽ cắt bỏ cách chỗ phân cành trên cành chính. (Tức là trên cành cấp 2, cấp 3 leo trên dây giàn chỉ cắt các cành thứ cấp buông thõng xuống) cắt để lại 1 đoạn từ 15 – 20cm có từ 2 - 3 mắt để tạo các cành thứ cấp khác. Nếu không được cắt tỉa thì sẽ ảnh hưởng đến năng suất quả cho năm sau.
Cần cắt tỉa các cành lá như sau:
- Cành mọc quá dày, mọc chồng lên nhau.
- Cành bị sâu bệnh nặng: bị sâu đục thân đục rỗng, bị bệnh làm chết khô.
- Cành bị che lấp trở nên còi cọc không có khả năng ra hoa, quả.
- Cành vượt: Loại mầm sinh trưởng không bình thường, vươn dài ra.
- Cành thui chột, cành đã cho quả vụ trước.
- Các lá vàng, lá già và lá bị bệnh.
- Lá của những cành không cho quả.
Chú ý quá trình cắt tỉa phải thu dọn lá, cành ra khỏi vườn tiêu hủy, vệ sinh vườn sạch sẽ bằng vôi bột hoặc thuốc sát trùng, thuốc ngâm mùng.
- Sâu bệnh và biện pháp phòng trừ
- Biện pháp phòng trừ tổng hợp:
- Cần chọn giống tốt, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, phù hợp với điều kiện tại địa phương, chọn giống cho năng suất cao, phẩm chất tốt phù hợp với thị hiếu của thị trường, sạch bệnh, có khả năng chống chịu với sâu bệnh hại.
- Vệ sinh đồng ruộng: làm sạch cỏ dại và tàn dư thực vật vụ trước khi làm đất, thu gom cành lá sau khi cắt tỉa cành.
- Bón phân, vôi bột cân đối, đầy đủ, không nên bón phân chuồng chưa xử lý, nên bón phân Hữu cơ thay cho phân chồng để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh từ phân chuồng chưa xử lý hết.
- Sau mỗi vụ thu hoạch, cần cắt tỉa lá già, lá sâu bệnh, cành đã thu hoạch trái và cành vô hiệu, sau đó tiến hành bón phân để cây phát triển mạnh tăng sức đề kháng.
- Kỹ thuật phòng trừ sâu hại
- Nhện đỏ.
- Kỹ thuật phòng trừ sâu hại
a, Đặc điểm gây hại:
+ Nhện đỏ có kích thước cơ thể rất nhỏ, lấm tấm như cám, mắt thường khó phát hiện.
+ Con trưởng thành đẻ trứng rời rạc ở mặt dưới của phiến lá.
+ Trứng hình tròn, lúc mới đẻ có mầu trắng hồng, sau đó trở nên hồng. Sau khi đẻ khoảng 4-5 ngày thì trứng nở ra ấu trùng. Ấu trùng có mầu xanh lợt (lúc mới nở chỉ có 6 chân, từ tuổi 2 trở đi cho đến khi trưởng thành chúng có 8 chân), khi lớn chuyển dần sang màu nâu đỏ. Cả ấu trùng và trưởng thành đều sống tập trung ở mặt dưới phiến lá của những lá non đang chuyển dần sang giai đoạn bánh tẻ.
+ Nhện gây hại bằng cách hút dịch của mô tế bào lá làm cho mặt trên của lá bị vàng loang lổ, nếu mật độ cao làm lá bị xoăn lại. Gặp điều kiện thuận lợi nhện sinh sản rất nhanh, làm cho từng mảng lớn của lá bị vàng, khô, thậm chí toàn bộ lá bị khô cháy và rụng. Hoa bị thui chột không đậu trái được, trái non bị hại lốm đốm vàng và có thể bị rụng, gây thiệt hại lớn.
+ Nhện đỏ thường phát sinh và gây hại nặng trong mùa khô nóng hoặc những thời gian bị hạn trong mùa mưa.
b, Biện pháp phòng trừ:
+ Cắt bỏ những lá có mật số nhện quá cao đã chớm bị vàng úa đem tiêu hủy.
+ Có thể dùng máy bơm nước tưới vườn có áp suất mạnh xịt mạnh tia nước vào mặt dưới của lá để rửa trôi bớt nhện.
+ Do nhện đỏ có tính kháng thuốc rất mạnh nên khi phát hiện trên cây có nhiều nhện cần dùng luân phiên nhiều loại thuốc để hạn chế bớt áp lực gây kháng thuốc đối với nhện. Có thể sử dụng luân phiên bằng một trong những loại thuốc sau đây: Tungmectin 1.9EC, Comite 73 EC, (sử dụng theo khuyến cáo trên nhãn thuốc). Sau khi phun xịt khoảng 7-10 ngày nếu vẫn còn nhện thì xịt tiếp lần hai. Xịt ướt đều mặt dưới của lá.
- Bọ xít.
a, Đặc điểm gây hại:
+ Bọ xít trưởng thành có cánh màu nâu đen với một vài đốm đỏ ở sau đầu và mặt dưới của cơ thể, mình thon mảnh dài 18mm, rộng 6mm, chân dài, râu dài.
+ Sâu non có hình dáng tương tự con trưởng thành nhưng không có cánh, chúng có màu đỏ ở giai đoạn mới nở, giai đoạn sâu non kéo dài khoảng 50 ngày, trưởng thành sống trong vài tuần.
+ Bọ xít gây hại nghiêm trọng vì chúng chích hút vào hoa, đọt non và quả non làm cho quả lốm đốm, nếu gây hại nặng làm cho quả rụng.
b, Biện pháp phòng trừ.
+ Dùng vợt tay để bắt bọ xít vào lúc sáng sớm hay chiều mát.
+ Thường xuyên kiểm tra trái và những lá gần trái để phát hiện và thu gom ổ trứng của chúng đem tiêu huỷ.
+ Nếu mật độ cao có thể sử dụng một trong những loại thuốc như: Cyper 25EC; Dầu khoáng SK Enspray 99EC. Bifentox 30ND liều lượng sử dụng 20-30ml/8lít, Vimipc 20ND, 40-50ml/8lít, Abamix 1.45WP liều lượng sử dụng 10-15g/8lít ... để phun xịt.
- Bọ trĩ.
a, Đặc điểm gây hại.
+ Bọ trĩ là loài gây hại dạng chích hút, chúng thường xâm nhập vào bộ phận hoa, lá, quả non để chích hút làm cho hoa khó thụ phấn, quả khó hình thành. Nơi nào có bọ trĩ nhiều thì xuất hiện sự bạc màu và dị dạng do phản ứng với nước bọt của bọ trĩ. Gây hại trái làm cho trái méo mó, dị hình, bề mặt trái bị nám.
b,Biện pháp phòng trừ:
+ Chăm sóc cây khỏe, bón phân, tưới tiêu, trừ cỏ... đúng yêu cầu kỹ thuật.
+ Tưới phun mưa trực tiếp vào các bộ phận bị hại khi bọ trĩ rộ có thể giảm đáng kể tác hại của bọ trĩ. Hàng năm cần xới xáo, thu gom tàn dư để diệt nhộng. Bảo vệ thiên địch, chỉ sử dụng thuốc khi thật cần thiết, hạn chế sử dụng thuốc phổ rộng.
+ Biện pháp hóa học: Thường xuyên điều tra đồng ruộng tiến hành phòng trừ kịp thời. Có thể sử dụng thuốc hoạt chất Abamectin: Kuraba WP, Abatin 1.8EC....; Thiamethoxam: Actara 25WG; Imidacloprid: Confidor 100SL, Matrine: Sokupi 0.36AS; Eucalyptol: Pesta 5SL; Deltamethrin: Decis 25 tab; Acephate: Anitox 50EC;
- Ruồi đục trái
a, Đặc điểm gây hại
+ Có 2 loài ruồi đục trái gây hại trên chanh leo: Bactrocera cucurbitae and Ceratitis capitata.
+ Trái non bị hại nhăn nheo và rụng sớm, vết thương do ruồi đục sẽ làm giảm giá trị thương mại của quả, sự tác động và gây hại của ruồi đục trái trên chanh leo thường không nghiêm trọng như trên các cây trồng khác vì vậy nếu gây hại ở mức độ nhẹ thì chưa cần phòng trừ.
b, Biện pháp phòng trừ
+ Thu gom hết trái rơi rụng trong vườn đem chôn sâu dưới đất có rải thêm vôi bột để tiêu diệt hết trứng và dòi non còn nằm bên trong nhằm tránh lây lan. Không nên thu thập những trái bị hại để ủ đống mà phải đem đốt hoặc chôn sâu dưới 50cm.
+ Thường xuyên vệ sinh vườn bằng cách cắt tỉa những cành, nhánh không cần thiết, tạo cho vườn luôn thông thoáng, sạch sẽ, hạn chế nơi trú ngụ của con trưởng thành.
+ Có thể dùng chất pheromon dẫn dụ với tên thương mại là Vizubon-D để làm bẩy dẫn dụ và tiêu diệt con trưởng thành đực (con ruồi đực). Biện pháp này muốn có kết quả cao nên vận động nhiều nhà vườn cùng tiến hành đồng loạt trên diện rộng.
- Sử dụng Protein thủy phân trộn chất độc làm bả diệt ruồi đục trái. Cách làm như sau: pha 100 ml Protein thủy phân với 3-5 ml thuốc trừ sâu Regent 5SC, pha loãng với 1 lít nước rồi đem phun cho mỗi cây trên diện tích khoảng 1 m2 tán lá với lượng 50 ml hỗn hợp. Mỗi tuần phun 1 lần vào lúc 8-10 giờ sáng, ruồi sẽ đến ăn và chết làm giảm được mật số nên không gây hại được.
- Sâu đục thân.
a, Đặc điểm gây hại:
+ Sâu trưởng thành tìm những kẽ nứt của thân cây để đẻ trứng, sâu non nở ra đục vào thân cây tạo thành đường vòng quanh thân, dần dần đục sâu vào trong thân làm rỗng thân.
Khi cây vừa bị sâu hại, lá non ở đầu nhánh có màu xanh hơi đậm, hơi xoăn và nhỏ hơn lá bình thường. Cây bị hại nặng thì lá vàng và héo, vỏ thân cây chanh leo có dấu hiệu nứt nẻ.
b, Biện pháp phòng trừ:
+ Biện pháp canh tác:
- Cần tạo hình và cắt tỉa nhánh được tiến hành thường xuyên. Sau thu hoạch cắt hết tất cả các cành trên giàn đã cho trái, để lại thân và các cành từ mặt đất tới giàn.
+ Biện pháp vật lý:
- Quan sát kỹ các thân cây nếu có vết đục của sâu đục thân thì dùng dụng cụ rạch phần thân để bắt sâu, sau đó dùng bao nilon sạch buộc lại vết đạ rạch, kể cả vết đục.
+ Biện pháp hoá học:
- Đối với cây bị hại nhẹ dùng thuốc phun kỹ lên thân cây như: Padan 4G, Diaphos 4G, Cộng hợp 16BTN.
- Bệnh hại.
- Bệnh đốm đầu do vi khuẩn.
a, Nguyên nhân và triệu chứng:
- Gây ra bởi vi khuẩn Pseudomonas passiflorae.
- Trên lá bệnh tạo nên những vết thương từ màu ô liu tới màu nâu, thường bao quanh bởi quầng sáng màu vàng nhạt, bệnh nặng dẫn đến rụng lá.
- Trên thân còn non dấu hiệu đầu tiên của sự xâm nhiễm là những vết trũng màu xanh đen, mọng nước. Sau sẽ phát triển thành màu nâu sáng, có viền rõ ràng với phần không bị bệnh.
- Trên thân gỗ già, triệu chứng ban đầu là những đốm nhỏ hình tròn có màu xanh đen, hơi trũng xuống, sau đó lan rộng ra và có màu nâu tối, những thương tổn này hoàn toàn bao quanh chồi non và gây chết cây.
Dấu hiệu đầu tiên của sự nhiễm bệnh trên trái là trái nhỏ, màu xanh tối, như giọt dầu. Những dấu hiệu này phát triển thành những vòng tròn, thô nhám, mảng lốm đốm mọng nước. Làm trái rụng sớm và thối trái.
Đốm dầu thường xảy ra vào mùa thu và mùa khô.
b, Biện pháp phòng trừ :
- Bệnh này chủ yếu phát triển mạnh vào mùa mưa nên phải thoát nước tốt không để ngập úng và phòng định kỳ dưới gốc, cắt tỉa cành và quả gần mặt đất tránh tác nhân gây và truyền bệnh.
- Dùng Poner 40tp kết hợp antramix hoặc Long bay+somec hoặc dùng probull kết hợp staner.
- Bệnh héo rũ vi khuẩn.
a, Nguyên nhân và triệu chứng:
- Gây ra bởi vi khuẩn Pseudomnas syringae.
- Triệu chứng của 2 loại bệnh này tương tự nhau, và cách thức phòng trị cũng giống nhau. Nếu quản lý tốt bệnh đốm đầu thì bệnh héo vi khuẩn sẽ ít có khả năng xuất hiện.
b, Biện pháp phòng trừ :
- Sau khi thu hoạch, thu gom sạch tàn dư của cây, đặc biệt là những cây bị bệnh và cỏ dại trên ruộng, đem tiêu hủy để hạn chế nguồn bệnh ban đầu trên đồng ruộng cho vụ sau.
- Không nên trồng dày để vườn luôn thông thoáng, giảm bớt độ ẩm trong ruộng.
- Bón phân cân đối giữa đạm, lân và kali, tăng cường bón thêm phân hữu cơ hoai mục, vôi bột và phân kali hoặc tro trấu cũng có tác dụng làm giảm tác hại của bệnh.
- Thường xuyên kiểm tra vườn chanh leo để phát hiện và nhổ bỏ sớm những cây bị bệnh đem tiêu hủy để tránh lây lan ra cây khác. Sau khi nhổ bỏ bón vôi bột vào chỗ vừa nhổ để khử trùng đất.
- Có thể dùng các loại thuốc gốc đồng như Starner 20WP, Curzate M8; DuPont, Kocide 46.1 DF để phun xịt khi cây chớm bị bệnh.
- Bệnh đốm nâu.
a, Nguyên nhân và triệu chứng:
Đây là một bệnh nghiêm trọng gây ra bởi nấm Alternaria passiflorae, nó ảnh hưởng đến lá, thân và quả. Xuất hiện vào mùa xuân và đầu mùa hè.
Trên lá, đầu tiên xuất hiện những đốm màu nâu nhỏ. Sau đó lan rộng ra thành đốm lớn có tâm màu sáng và có hình dạng bất định.
Trên thân, vết bệnh có hình thon dài với màu nâu đen, thường xuất hiện gần nách lá hoặc gân lá (do bị tổn thương cơ giới, cây bị chảy nhựa). Khi vết bệnh bao quanh thân cây thì chồi non sẽ bị héo, quả teo lại và rụng sớm.
Trên quả, vết bệnh đầu tiên chỉ nhỏ như mũi kim sau lan rộng thành những vòng tròn lớn với vết nâu lõm có tâm màu nâu xám. Dần dần phần vỏ quả xung quanh vết bệnh bị nhăn nheo và quả bị rụng.
b, Biện pháp phòng trừ:
+ Biện pháp canh tác: Vệ sinh vườn, loại bỏ lá bệnh đem ra khỏi vườn, những cành kém hiệu quả để cây thông thoáng.
+ Biện pháp hóa học: Phun các thuốc hoạt chất Mancozeb ( Dithane F – 448 43SC, Manozeb 80WP), thuốc gốc đồng (Kocide® 53.8DF), thuốc gốc Carbendazim (Antracol 70WP, Toplaz 70WP) khi lá non bắt đầu xuất hiện, phun liên tiếp 3 lần cách nhau 7 ngày.
Chú ý phun vào những đợt lá ra vào đầu mùa mưa.
- Bệnh đốm xám.
a, Nguyên nhân và triệu chứng:
Gây ra bởi nấm Septoria passiflorae, bệnh tấn công các bộ phận lá, thân, và quả. Bệnh gây hại nặng có thể làm rụng lá, rụng quả sớm dẫn đến giảm năng suất cây trồng.
Trên lá, vết bệnh thường không có hình dạng cố định, chỉ là những đốm nhỏ màu nâu sáng, nhanh chóng lan rộng làm lá rụng.
Trên thân, vết bệnh xuất hiện tương tự như ở trên lá. Nhưng có đặc điểm vết bệnh thường lõm sâu vào trong thân. Trên quả, vết bệnh đầu tiên cũng là những đốm nhỏ, tương tự như trên lá và thân. Sau đó những đốm này tạo thành những vết thương tổn lớn gây nên hiện tượng rụng lá và quả.
b, Biện pháp phòng trừ:
+ Biện pháp hoá học: Có thể sử dụng các loại thuốc như: Antracol 70WP, Ridomil gold 68WP…
- Bệnh thối hạch.
a, Nguyên nhân và triệu chứng:
+ Gây ra bởi Sclerotinia sclerotiorum. Có thể ảnh hưởng thân, vết bệnh lan rộng làm bong lớp vỏ, làm gãy đổ chồi non trên vết bệnh. Các hạch nấm màu đen, cứng hình thành là nguyên nhân làm cho bệnh lây lan từ vụ này qua vụ khác và thường ảnh hưởng đến chồi ngọn.
Loài nấm này cũng có thể gây hại trên trái, vết bệnh lan nhanh và có màu nâu nhạt bao phủ toàn bộ trái, cuối cùng trên trái sẽ hình thành các hạch nấm màu đen có nhìn thấy bằng mắt thường, lúc này trái sẽ bị rụng. Bệnh này phát triển thuận lợi trong điều kiện ẩm ướt kéo dài và nhiệt độ từ 15 -200C.
b, Biện pháp phòng trừ:
+ Biện pháp canh tác:
- Vệ sinh vườn cây thường xuyên là rất quan trọng, những trái bị bệnh nên được thu hái và di chuyển ra khỏi vườn, những chồi ngọn bị bệnh phải được cắt và đem tiêu hủy.
- Trồng mật độ hợp lý, tránh trồng quá dày.
- Tỉa bỏ bớt lá già, lá gốc để tạo độ thông thoáng, tránh ẩm độ cao trong đất.
+ Biện pháp hóa học:
- Có thể dùng một số loại thuốc có hoạt chất Iprodione như Promot PlusWP (Trichoderma spp 5.107 bào tử/g); Biobus 1.00WP hoặc Fulhumaxin 5.65SC, để phun trừ, khi gặp điều kiện ẩm ướt, sau những đợt mưa kéo dài, nhiệt độ thấp và cây đang ở giai đoạn phân cành, hình thành quả.
- Bệnh thối cổ rễ
- Nguyên nhân và triệu chứng:
Đặc tính loài thân thảo như chanh leo là loài ưa độ ẩm nhưng không chịu được ngập úng, cây vừa mang quả vừa ra hoa liên tục nên cây luôn cần một lượng dinh dưỡng rất lớn và thường xuyên. Vì vậy bộ rễ chanh leo tuy ăn nông nhưng phát triển rất mạnh và rộng tầng rễ tơ của chanh leo phát triển nhanh và cũng nhanh đào thải.vì vậy khi cây mang quả thì phần lớn lượng dinh dưỡng tập trung nuôi trái, nên toàn bộ các bộ phận của cây tập trung tối đa vận chuyển và cung cấp dinh dưỡng cho trái. Đồng thời người dân bổ sung một lượng dinh dưỡng bón thúc lớn, nên bộ rễ phát triển mạnh để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho cây trồng.
Khi thu hoạch thì chúng ta đã lấy đi một lượng dinh dưỡng trên thân cây đồng thời cây lúc này chuyển trạng thái sinh lý khi nhu cầu dinh dưỡng giảm đi, lớp rễ cũ già hóa vì vậy cây tự đào thải bộ rễ cũ, tập trung phát triển bộ rễ mới để phát triển cành thứ cấp để tiếp tục phân hóa mầm hoa tiếp theo.
- Đây là thời điểm nhạy cảm với cây trồng khi mà bộ rễ cũ bị đào thải để phát triển bộ rễ mới thì các loại nấm có hại xuất hiện phân hủy bộ rễ cũ là môi trường phát triển để tấn công cây trồng như (phuythium,Rhizoctonia,FusaRium,phuytopthora.)
- Thời điểm cây đang kinh doanh thì các loại phân hóa học được bón bổ sung lớn vì vậy lớp đất trên cùng bị chai đóng váng nên tạo ra tình trạng nước dưới bề mặt khó bốc hơi làm cho bộ rễ bị luộc từ dưới lên do hấp thụ nhiệt lại là môi trường của nấm bệnh phát triển.
b, Biện pháp phòng trừ
Để khăc phục tình trạng cây bị lở cổ rễ chết xung quanh mắt ghép chúng ta cần tìm đúng nguyên nhân không sử dụng phương án là quét thuốc gốc đồng xung quanh gốc (chỉ có tác dụng với các loại nấm gây ra bởi vết thương bên ngoài).
Cân bằng và giữ PH nằm trong giới hạn thích hợp với cây chanh leo từ 5,2 - 6,5.
- Nếu đất bị chai gây ra tình trạng bó rễ nghẹt rễ chúng ta sử dụng phương án dùng cào răng phá váng xung quanh gốc thường xuyên, ít nhất 1 tháng 1 lần để thông thoáng đất tránh nấm bệnh.
- Sử dụng các biện pháp sinh học bằng các phương pháp sau để phòng bệnh vào đầu mùa mưa hoặc đầu mùa khô tối thiểu 6 tháng sử dụng một lần.
- Dùng vôi cục Tôi vào phuy sau đó khấy tan hết, sau đó dùng vòi phun áp lực cao phun trực tiếp vào cổ rễ để hiện ra chùm rễ chính. Sau khoảng 7-10 ngày dùng TRICODERMA có các chủng Bacilussubtilis, Bacilusmycoides, Pseudomonassppplourescents, Pimelobacter.sp. tưới quanh gốc (lưu ý nên dùng các loại có hàm lượng từ 109 là tốt nhất, khi bổ sung các chủng nấm đối kháng sẽ hạn chế được các loại nấm có hại đồng thời tăng thêm sức đề kháng cho cây trồng)
- Sử dụng các loại thuốc hóa học để xử lý khi cây phát bệnh như Ridomind gold, Aliette, DupontTM, Folicur……. Thì tùy thuộc vào mức độ bệnh và dạng nấm chúng ta sẽ sử dụng theo hàm lượng và nồng độ, nhưng khi tưới thì nên tưới rộng bán kính quanh gốc 50cm trở lên.
- Bệnh Virus
a, Sự lan truyền bệnh.
- Đầu tiên virus lan truyền bởi quá trình ghép, qua các dụng cụ ghép từ cây bệnh vào trong cây khỏe. Ngoài ra quá trình cắt tỉa cành bằng dao, kéo cũng làm cho virus lây lan. Không có sự lan truyền qua hạt giống, mà có thể lây lan trong quá trình vận chuyển.
- Các loài rệp: (Rệp muội) Aphis gossypii, và rệp đào Myzus Persicae là các môi giới truyền bệnh virus gây hại trên chanh leo.
- Hiện tượng cây sinh trưởng bị hạn chế các đỉnh sinh trưởng và lá bị xoắn lại. Chanh leo bị bệnh này nên nhổ bỏ nhanh xử lý gốc và trồng lại cây khác (lưu ý diệt rệp và kiến tránh lây lan môi giới)
b, Biện pháp phòng trừ tổng hợp.
- Giống: Sử dụng giống sạch bệnh,
- Biện pháp canh tác:
- Luân canh cây trồng: không trồng chanh leo trên đất đã trồng các cây họ cà: cà, khoai tây, thuốc lá, dưa chuột...vì các loại cây trồng này là ký chủ loại virut hại chanh leo.
- Sử dụng phân bón cân đối và hợp lý, tránh bón quá nhiều đạm, đặc biệt là trong điều kiện mùa mưa.
- Vệ sinh đồng ruộng, phòng trừ các nguyên nhân lây nhiễm: thường xuyên cắt tỉa chồi, lá bệnh, quả bệnh và đem tiêu hủy, tưới đủ nước, giữ nước trong mùa khô.
- Trong quá tŕnh cắt tỉa những cành lá già bị sâu bệnh không được chạm vào cây khỏe nên đeo găng tay bảo vệ. Xử lý tiệt trùng dụng cụ, quần áo bảo hộ lao động sau khi chăm sóc vườn cây.
- Biện pháp hóa học:
- Dùng bẫy dính màu vàng để thu hút các loại côn trùng chích hút, dùng giấy bạc, tạo ánh sáng phản xạ xua đuổi côn trùng.
- Phun phòng ngay từ đầu một số đối tượng trung gian lây truyền virut như các loại rệp, bọ phấn bằng các loại thuốc như: Actara 25WP, Confidor 100SL, Oshin 20 WP, Success 25SC, Vertimec 1.8EC, Dầu khoáng DS 98.8 EC.
- Thu hoạch.
Để đảm bảo chất lượng, phẩm chất quả và mang lại hiệu quả kinh tế cao cần thu hái khi 1/3 vỏ quả chuyển sang hồng hoặc tím, thu hái nhẹ nhàng, sau mỗi lần thu hoạch cần chú ý gom toàn bộ các loại quả bị thải loại do nấm bệnh và côn trùng gây hại tập trung về một vị trí để tiêu huỷ, hạn chế khả năng phát triển của sâu bệnh trên vườn.
Quả thu hoạch về nên bảo quản nơi thoáng mát, tránh đổ đống quá dày và sớm vận chuyển về nơi sơ chế để đảm bảo chất lượng và phẩm chất của quả.
Chú ý: Đây là quy trình chung không áp dụng cho quy trình chanh xuất khẩu Châu Âu.
#phanbon #caychanhleo #quytrinhtrongchanhleo #kythuatrong #matdotrongchanhday #chuanbitrongchanhleo #bonphanchanhleo #tuoinuocchanhleo #phongbenhchanhleo #thuhoachchanhleo #phanbonsieulanhuuco #hummicmaxus #lontrainhanh #canxibo #quocgiaxanh
- Siêu lân Hữu cơ 500g
- Lớn trái nhanh 1 kg
- To củ khoai mì, khoai lang 1kg
- Humic max us 200g
- Lớn trái dưa hấu 500g
CÁC ƯU ĐIỂM VÀ NHƯỢC ĐIỂM KHI BÓN VÔI CHO ĐẤT NÔNG NGHIỆP
MỘT SỐ CÂY TRỒNG GIÚP XUA ĐUỔI CÔN TRÙNG TRONG KHU VƯỜN NHÀ RẤT HIỆU QUẢ
BỆNH ĐỐM PHẤN (SƯƠNG MAI) VÀ CÁCH PHÒNG NGỪA
BỆNH RỆP APHIDS VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ
BIỂU HIỆN BỆNH BẠC LÁ VI KHUẨN VÀ CÁCH PHÒNG TRỊ
GIẢI ĐỘC CHO CÂY KHI BỊ NGỘ ĐỘC PHÂN BÓN, THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT VÀ PHỤC HỒI CÂY SAU KHI BỊ NGỘ ĐỘC
BỆNH THỐI RỄ ĐEN TRÊN CÂY TRỒNG
BỆNH ĐỐM SỌC VI KHUẨN TRÊN CÂY LÚA
BỆNH HÉO RŨ (HÉO VÀNG) TRÊN CÂY TRỒNG
BỆNH CÂY TRỒNG THƯỜNG GẶP PHẢI VÀ CÁCH KHẮC PHỤC
ĐIỀU CƠ BẢN CẦN BIẾT CỦA BỘ RỄ CÂY TRỒNG
CÁCH PHÒNG TRỊ BỆNH PHỔ BIẾN TRÊN CÂY HỒ TIÊU
ĐIỀU CƠ BẢN CẦN BIẾT VỀ ĐA LƯỢNG, TRUNG LƯỢNG, VI LƯỢNG
NGUYÊN TẮC CƠ BẢN I.P.M (TRONG QUẢN LÝ DỊCH HẠI TỔNG HỢP)
BIỆN PHÁP ĐƠN GIẢN NHƯNG XUA ĐUỔI CÔN TRÙNG TRONG KHU VƯỜN NHÀ BẠN RẤT HIỆU QUẢ
ƯU ĐIỂM PHÂN BÓN LÁ VÀ CÁCH SỬ DỤNG HIỆU QUẢ
NGUYÊN TẮC SỬ DỤNG PHÂN BÓN TRONG ĐÓ CẦN CHÚ Ý NGUYÊN TẮC BÓN PHÂN 4 ĐÚNG
RỆP SÁP GÂY HẠI TRÊN CÂY CÀ PHÊ VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ
ĐIỀU CẦN BIẾT CÁC LOẠI SÂU BỆNH CHÍNH TRÊN CÂY CÀ PHÊ
VE SẦU GÂY HẠI TRÊN CÂY CÀ PHÊ VÀ CÁCH PHÒNG TRỪ
CÔNG TY TNHH THƯƠNG MẠI XNK QUỐC GIA
Địa chỉ: Đường Trần Phú, Thị trấn Củng Sơn, Sơn Hòa, Phú Yên.
Tel: 02573 506 678 Hotline: 0843 477 788
Email: phanbonquocgiaviet@gmail.com
Website: http://phanbonquocgiaviet.com